26 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
Trang chủTIN TỨC XI MĂNGXi măng Vicem lãi thấp kỷ lục

Xi măng Vicem lãi thấp kỷ lục

Giá đầu vào tăng trong khi nhu cầu xuất khẩu suy giảm khiến Tổng công ty Xi măng Việt Nam lãi hơn 1.500 tỷ đồng năm 2022, thấp nhất từ khi công bố thông tin.

Trong hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2022, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết tổng sản phẩm tiêu thụ đạt gần 27,5 triệu tấn, không hoàn thành kế hoạch năm và giảm 6,7% so với năm 2021. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa đạt hơn 21 triệu tấn, tăng nhẹ so với năm 2021. Tiêu thụ clinker (bao gồm xuất khẩu) giảm đến gần một nửa so với năm 2021.

Vicem ước đạt hơn 39.450 tỷ đồng tổng doanh thu. Con số trên tăng 17% so với năm 2021 nhưng vẫn không hoàn thành kế hoạch năm. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) ước hơn 1.530 tỷ đồng, đạt gần 90% kế hoạch và giảm 30,5% so với năm 2021. Đây cũng là mức lãi thấp nhất kể từ khi Vicem công bố thông tin từ năm 2015.

Kết quả kinh doanh của Vicem (Nguồn: Vnexpress)
<span style=font family arial helvetica sans serif font size 12pt>Kết quả kinh doanh của Vicem Nguồn Vnexpress<span>

Ban lãnh đạo Vicem lý giải nhiều nguyên nhân về kết quả trên. Trước hết, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 được xây dựng trên kỳ vọng dịch bệnh được kiểm soát toàn thế giới, tình hình nguồn cung và giá cả nguyên, nhiên vật liệu các tháng cuối năm ổn định, các dự án bất động sản khởi sắc, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.

“Tuy nhiên, những khó khăn xuất phát từ xung đột Nga – Ukraine và thực tế thị trường diễn biến phức tạp, khó đoán định đã tác động rất tiêu cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh”, đại diện doanh nghiệp nói.

Vicem gặp khó về nguồn cung than khi thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá tăng đột biến. Riêng giá than tăng cao đã làm chi phí đầu vào của riêng nhiên liệu này đội thêm khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Trước tình hình đó, Vicem đã tăng giá xi măng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều giảm, cạnh tranh trên thị trường lớn, giá xuất khẩu xi măng và clinker không tăng. Các đơn vị thành viên phải bổ sung chiết khấu, khuyến mại để giữ sản lượng và thị phần. Do đó, mức tăng giá thu về “chưa đủ bù đắp ảnh hưởng của việc tăng chi phí đầu vào”.

Quý IV thường là mùa tiêu thụ xi măng chủ yếu hàng năm. Nhưng tình trạng nhu cầu giảm sâu trong những tháng cuối năm đã tác động lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh và gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành của Vicem. Riêng khoản thua lỗ nặng của Xi măng Hạ Long trở thành nhân tố chính khiến Vicem không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Năm 2023, thị trường xi măng trong nước được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do xây dựng dân dụng phục hồi chậm, các công trình, dự án cũng chậm triển khai khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Ngoài ra, thị trường bất động sản nhiều khả năng tiếp tục trầm lắng do “khát” vốn và ứ đọng thanh khoản. Các đơn vị sản xuất xi măng đang đứng trước áp lực giải quyết hàng tồn, nhiều đơn vị phải thực hiện dừng lò nung, giảm năng suất lò.

Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than dự báo vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, giá bán xi măng chưa thể bù đắp, dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm mạnh. Với nhiều thách thức, Vicem đặt mục tiêu cho năm 2023 với tổng doanh thu khoảng 40.919 tỷ đồng, tăng gần 4%.

Tuy vậy, ngành xi măng vẫn còn cửa sáng. VnDirect tin rằng có thể xuất hiện chỉ báo sớm cho sự cải thiện của ngành vào cuối năm 2023 khi giá nguyên liệu đầu vào giảm, nhất là than cốc, than nhiệt, thép phế. Song song đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu xi măng phục hồi. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2018 và chiếm 54% tổng sản lượng xuất khẩu xi măng năm 2021.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

Xem thêm