(Baothanhhoa.vn) – Quan tâm, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật là giải pháp tối ưu để nâng cao tính cạnh tranh cho thương hiệu sản phẩm và sản xuất hiệu quả. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ, áp dụng các phương thức sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm clinker và xi măng, từ năm 2020, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn đã đưa sáng kiến lắp đặt tuyến băng tải vận chuyển clinker lò 2 cấp cho máy nghiền xi măng số 2, 3 vào hoạt động. Được biết, dây chuyền sản xuất clinker số 2 có công suất bình quân gần 4.000 tấn/ngày và cấp cho máy nghiền xi măng số 1 và số 4 sử dụng. Phần còn lại được vận chuyển bằng xe ô tô sang cấp cho máy nghiền 2, 3, xuất cho khách hàng hoặc đưa ra bãi lưu trữ. Do đặc điểm hệ thống silo chứa dây chuyền 2 nhỏ, nhiều thời điểm máy nghiền số 1, số 4 dừng vì vậy lượng clinker sẽ bị dư cần xuất cho khách hàng hoặc đưa ra bãi tồn trữ. Khi đưa clinker ra bãi ngoài sẽ tăng chi phí, suy giảm chất lượng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất. Việc lắp đặt tuyến băng tải vận chuyển clinker lò 2 cấp cho máy nghiền 2, 3 sử dụng đã điều tiết được clinker dư cục bộ của lò 2. Đồng thời, bảo đảm hạn chế đưa clinker ra bãi tại những thời điểm cục bộ, ổn định được kế hoạch sản xuất và sử dụng clinker tại nhà máy. Qua thời gian sử dụng, sáng kiến được đánh giá đã giảm chi phí sản xuất trên 400 triệu đồng/năm… Bên cạnh đó, hiện Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn đã hoàn thành Dự án nghiền xi măng – đóng bao đưa vào hoạt động; đã hoàn thành cải tạo máy làm nguội clinker dây chuyền 2, giải quyết dứt điểm hiện tượng “dòng sông đỏ” và nâng cao năng suất lò nung số 2 vượt 20% công suất thiết kế. Ngoài ra, công ty cũng đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua lao động sáng tạo, các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được triển khai rộng khắp, qua đó góp phần tiết giảm chi phí, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, tiết kiệm lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường.
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza (viết tắt là Công ty Vicenza) thuộc Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) đã đầu tư hệ thống máy in kỹ thuật số, dây chuyền mài bóng công nghệ Nano nhập khẩu từ Ý vào sản xuất gạch men, gạch ốp lát, gạch trang trí cao cấp; góp phần giảm nhân công, đa dạng kiểu dáng của sản phẩm. Theo đó, hiện toàn bộ quy trình sản xuất bao gồm công đoạn ép, tráng men, lò nung, phân loại sản phẩm của Công ty Vicenza đều sử dụng công nghệ hiện đại với dây chuyền hoàn toàn tự động. Do vậy, dòng sản phẩm gạch ốp lát Vicenza cao cấp về chất lượng và đa dạng về kiểu dáng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất của thế giới. Mỗi năm, Công ty Vicenza cung cấp cho thị trường hàng triệu m2 gạch ốp lát. Để tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đã huy động cán bộ, công nhân viên phát huy phong trào ứng dụng KH&CN, sáng kiến kỹ thuật vào sản xuất. Trong năm 2022, công ty có 35 sáng kiến kỹ thuật cấp cơ sở. Trong đó, tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ từ công đoạn khai thác nguyên liệu đến xuất bán sản phẩm nhằm tối ưu hóa toàn bộ quá trình sản xuất, giảm chi phí, gia tăng giá trị sản phẩm. Tiêu biểu như sáng kiến: Nghiên cứu bài phối liệu xương sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong tỉnh thay thế nguyên liệu ngoại tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Trong đó, tăng tỷ lệ nguyên liệu cao lanh Lang Chánh, đưa trường thạch Như Xuân vào trong bài phối liệu xương không sử dụng cao lanh phong hóa. Các loại nguyên liệu trong tỉnh có các thông số cơ lý- hóa gần tương đồng với các nguyên liệu tỉnh ngoài, xương có độ sáng tương đối, khoảng chảy rộng các chỉ tiêu công nghệ. Mặt khác các nguyên liệu trong tỉnh dễ vận chuyển, chất lượng ổn định nên sản phẩm sản xuất đạt chất lượng, tiết kiệm chi phí mua nguyên liệu cho Công ty Vicenza từ 6 đến 7 tỷ đồng.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và các công trình xây dựng, Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Khu đô thị Hoàng Long (TP Thanh Hóa) đã đầu tư 3 trạm sản xuất bê tông thương phẩm với dây chuyền hiện đại lên tới hơn 40 tỷ đồng (công suất 120m3/h); đầu tư dây chuyền sản xuất nhựa nóng Asphalt của Hàn Quốc, tự động hoàn toàn, công suất 160 tấn/giờ. Đặc biệt, công ty đã đầu tư thêm dây chuyền máy nghiền cát nhân tạo từ đá và các thiết bị kèm theo trị giá gần 20 tỷ đồng, tự động hoàn toàn, được áp dụng theo công nghệ Nhật Bản với công suất 200 tấn/giờ phục vụ cho nhu cầu của công ty và thị trường. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, Công ty TNHH Hoàng Tuấn đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng, nghiên cứu cho ra đời sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Việc ứng dụng, đổi mới công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng các loại vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhờ đó, hàng năm, tổng giá trị sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng. Theo quy hoạch, định hướng phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, tỉnh Thanh Hóa sẽ chú trọng 7 nhóm vật liệu xây dựng là: vật liệu xây (gạch nung, gạch không nung), vật liệu lợp (nung và không nung), đá xây dựng, cát xây dựng (cát tự nhiên, cát nghiền), bê tông (cấu kiện và thương phẩm), vôi công nghiệp, tấm thạch cao. Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh đặt mục tiêu sớm hội nhập KH&CN sản xuất vật liệu xây dựng quốc tế, nâng cao trình độ nghiên cứu trong nước, rút ngắn khoảng cách về công nghệ so với thế giới để nâng cao tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Do đó, đổi mới công nghệ sản xuất không chỉ là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sản xuất mà còn bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh.