(ĐTCK) Trong đợt tăng giá điện lần 1 (vào tháng 5/2023), phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng chi phí sản xuất sẽ gia tăng và lần tăng giá điện lần này cũng không ngoại lệ, nhất là với những ngành thâm dụng năng lượng.
Áp lực chi phí năng lượng
Ngày 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra thông báo tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,5%, từ mức 1.902,3 đồng/kWh. Đây là đợt tăng giá điện thứ 2 trong năm, sau quyết định tăng giá bán lẻ điện lên 3% vào tháng 5/2023. Như vậy, sau hai lần điều chỉnh, giá điện tăng thêm 7,6%, tương ứng 142,35 đồng/kWh, lên mức 2.006,79 đồng/kWh.
Quyết định này không gây ra quá nhiều bất ngờ do đã nằm trong lộ trình tăng giá điện của EVN, nhưng vẫn khiến các doanh nghiệp sản xuất thêm lo ngại.
Xi măng, hoá chất, luyện kim (thép) và giấy là 4 ngành được Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi chi phí điện tăng thêm.
Với giả định chi phí điện tăng thêm mà doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, Mirae Asset ước tính, tổng lợi nhuận trước thuế của ngành thép giảm 23%, ngành xi măng giảm 21%, ngành giấy giảm 2% và ngành hóa chất giảm 1%. Nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng của việc gia tăng chi phí đầu vào.
Theo PGS.TS. Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, lẽ ra, các doanh nghiệp cần phải tăng giá sản phẩm khi chi phí điện tăng, nhưng phần chi phí đó doanh nghiệp không thể chuyển sang cho người tiêu dùng.
Theo khảo sát của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, sau đợt tăng giá điện lần 1, giá xi măng không tăng và tiếp tục duy trì mức giá đến nay. Trong khi đó, chi phí điện chiếm khoảng 13% chi phí sản xuất clinker và 15% chi phí sản xuất xi măng trong những năm qua và sau đợt tăng giá điện hồi tháng 5 đã tăng lên mức 14,5% với sản xuất clinker và 16,5% với sản xuất xi măng.
Thực tế, quá trình nung clinker là một trong khâu chính trong sản xuất xi măng và tiêu tốn nhiều điện năng. Lò nung phải hoạt động ở nhiệt độ cao để nung clinker từ nguyên liệu như đá vôi và đất sét. Bên cạnh đó, nhà máy xi măng cũng sử dụng nhiều máy móc và thiết bị công suất lớn để nghiền, trộn và vận chuyển nguyên liệu, cũng như để quản lý các quy trình sản xuất nên chi phí điện của ngành này luôn rất lớn.
Chi phí điện, theo Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (mã TVN), chiếm khoảng 7 – 8% trong sản xuất thép. Vì vậy, mỗi khi giá điện tăng, VNSteel và các doanh nghiệp trong ngành đều phải đối mặt với áp lực tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, giá điện tăng cũng thường kéo theo các chi phí đầu vào khác tăng theo, tác động không nhỏ đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.
Vào đợt giá điện tăng lần 1, dù ngành dệt may đánh giá là mức tăng không lớn nhưng điều này vẫn làm tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường tiêu thụ giảm sút và đơn hàng ít đi suốt những tháng đầu năm.
Theo tính toán của ngành dệt may, 23% tổng năng lượng được sử dụng trong ngành được tiêu thụ trong lĩnh vực dệt, 34% trong kéo sợi, 38% trong xử lý hoá chất và 5% cho các mục đích khác. Như vậy, các doanh nghiệp sợi sẽ bị tác động mạnh nhất trong chuỗi giá trị ngành dệt may.
Sợi thường được sản xuất thông qua các quy trình hóa học và cơ học phức tạp, trong đó máy móc và thiết bị sử dụng lượng năng lượng lớn để duy trì tốc độ, đạt hiệu suất cao đảm bảo chuyển đổi nguyên liệu thành sản phẩm cuối cùng.
Một ngành cũng được đánh giá là tiêu hao nhiều điện năng trong sản xuất là ngành nhựa. Nằm trong nhóm nhựa bao bì, ông Bùi Quang Sỹ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuận Đức (mã TDP) cho biết, Công ty luôn nằm trong danh sách các doanh nghiệp trọng điểm về sử dụng năng lượng nên chi phí điện sử dụng cho sản xuất là khá lớn. Mỗi tháng, Thuận Đức có thể chi trên 7 tỷ đồng tiền điện.
Ông Sỹ khẳng định, giá điện tăng làm chi phí của doanh nghiệp tăng, lợi nhuận giảm, do doanh nghiệp không tăng được giá bán sản phẩm.
“Chúng tôi hiểu việc tăng giá điện là tất yếu, nhưng trong giai đoạn cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn, bản thân Thuận Đức đang nỗ lực giảm giá thành sản phẩm để kích cầu tiêu thụ thì việc tăng giá điện tạo thêm sức ép cho doanh nghiệp”, ông Sỹ chia sẻ.
Xoay xở bài toán chi phí
Để giảm bớt tác động tiêu cực của việc tăng giá điện, lãnh đạo Thuận Đức cho biết, Công ty đã chủ động cải tiến máy móc thiết bị nâng cao hiệu suất, đồng thời thay thế các thiết bị tiêu hao điện năng cao, xây dựng quy chế tiết kiệm điện năng và tuyên truyền, phổ biến để người lao động thực hiện. Công ty đang khảo sát, đánh giá phương án đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái để chủ động năng lượng, tránh tình trạng bị ngắt điện đột ngột như cao điểm mùa hè vừa qua, cũng như giảm chi phí điện năng về lâu dài.
Trước áp lực tăng giá điện, VNSteel cũng chỉ đạo các doanh nghiệp trong hệ thống tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện. Bên cạnh đó là áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả, như sản xuất trong giờ thấp điểm, tăng cường phun than và thổi oxy trong quá trình luyện thép để giảm tiêu hao năng lượng tổng thể, tận dụng nhiệt dư trong quá trình luyện thép để tái sử dụng và nhiều biện pháp khác.
Với ngành dệt may, đối mặt với áp lực về chi phí điện năng và yêu cầu sản xuất bền vững, nhiều công ty trong ngành đang nỗ lực tiết kiệm điện năng và chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo.
Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK) đã chú trọng đầu tư máy móc sử dụng công nghệ hiện đại để giảm tiêu thụ năng lượng điện, đồng thời đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái, với công suất 10,5 MWp tại 2 nhà máy Củ Chi và Trảng Bàng, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu điện của Công, góp phần tiết kiệm chi phí điện khoảng 10% so với trước kia, giảm lượng khí nhà kính phát thải khoảng 10,7% hàng năm.
Tại Công ty cổ phần Damsan (mã ADS), năm 2022, Công ty đã tiêu thụ hơn 7,94 tỷ kWh điện, tương ứng hơn 21,4 tỷ đồng. Do đó, Công ty cũng đẩy mạnh giảm thiểu tiêu thụ điện bằng cách rà soát lại các máy móc, trang thiết bị điện và thay mới nếu cần thiết. Bên cạnh đó, Công ty đã xây dựng hệ thống điện áp mái tại hai khu công nghiệp Gia Lễ và Nguyễn Đức Cảnh theo định hướng phát triển năng lượng tái tạo cho toàn Công ty.
Các doanh nghiệp xi măng cũng đang tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, tìm cách tối ưu chi phí sản xuất, chủ động cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá vốn và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Việc tăng giá điện giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm bớt phần nào áp lực tài chính. Năm vừa rồi, giá nguyên liệu đầu vào của ngành điện tăng mạnh nhưng giá điện chịu sức ép kiềm chế lạm phát của Chính phủ nên chưa được tăng, việc tăng giá vừa rồi cũng là hợp lý.
Những đơn vị bán điện cho tập đoàn này cũng được hưởng lợi gián tiếp. Trước đó, do áp lực tài chính, EVN chậm thanh toán cho một số đơn vị cung cấp điện thì nay, áp lực tài chính được giảm bớt, có thể EVN sẽ đẩy mạnh việc thanh toán cho những đơn vị này, ví dụ như NT2, POW, PC1, REE, QTN, Phả Lại…
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn