UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt kế hoạch thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 của ngành thanh tra tỉnh Thanh Hóa. Đáng chú ý, danh sách thanh tra có các “ông lớn” như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn; Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn; chi nhánh Công ty TNHH Long Sơn tại Thanh Hóa – Nhà máy xi măng; Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thanh Hóa; Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức…
Cụ thể, theo kế hoạch, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của 5 đơn vị gồm: Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng, Sở Ngoại vụ.
Bên cạnh đó, 6 đơn vị gồm: UBND TP Thanh Hóa, UBND TP Sầm Sơn, UBND huyện Thọ Xuân, UBND huyện Quảng Xương, UBND huyện Nông Cống, UBND huyện Yên Định sẽ bị thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quản lý ngân sách; quản lý dự án đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Song song đó, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của 3 đơn vị: Viện Nông nghiệp tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
Cùng đó, 2 doanh nghiệp có vốn sở hữu của Nhà nước là Công ty TNHH MTV Sông Chu và Công ty CP cấp nước Thanh Hóa cũng thuộc diện thanh tra việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc chấp hành chính sách, pháp luật về thuế.
Mía đường Lam Sơn, Xi măng Bỉm Sơn… và loạt DN vào “tầm ngắm” thanh tra (ảnh minh họa: Lasuco). |
Trong khi đó, với 6 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Mía đường Lam Sơn; Công ty CP Xi Măng Bỉm Sơn; chi nhánh Công ty TNHH Long Sơn tại Thanh Hóa – Nhà máy xi măng; Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thanh Hóa; Công ty CP Bia Hà Nội – Thanh Hóa; Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức, nội dung thanh tra sẽ tập trung vào việc chấp hành chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, về thuế đối với ngân sách Nhà nước.
Tiếp đó, thanh tra 13 dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Thanh tra 3 dự án đầu tư có sử dụng đất chuyển tiếp từ kế hoạch thanh tra năm 2023, gồm: Khu dân cư mới thôn Minh Thịnh, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc; Khu đô thị mới thuộc dự án số 4, Khu đô thị mới Trung tâm thành phố Thanh Hóa; Khu dân cư thương mại và chợ Vực, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa.
Ngoài ra, 71 doanh nghiệp cũng bị thanh tra về nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước, trong đó có 16 doanh nghiệp chuyển tiếp từ kế hoạch thanh tra năm 2023…
“Ông lớn” mía đường xứ Thanh làm ăn sao?
Liên quan đến kế hoạch thanh tra các đơn vị vừa được công bố của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong đó đáng chú ý có “ông lớn” ngành mía đường xứ Thanh là Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco, mã: LSS).
Theo giới thiệu, Công ty CP Mía đường Lam Sơn được thành lập ngày 6/12/1999, trên cơ sở tiền thân là Nhà máy mía đường Lam Sơn có trụ sở chính tại thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất đường. Hiện, công ty này có vốn điều lệ gần 745,5 tỷ đồng, do ông Lê Văn Tân làm người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT.
Nhìn lại dữ liệu tài chính hợp nhất quý I niên độ 2023 – 2024 (niên độ tài chính từ ngày 1/7/2023 – 30/6/2024) thể hiện, Mía đường Lam Sơn ghi nhận doanh thu thuần đạt 471 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ niên độ trước. Giá vốn hàng bán tăng 57% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 418 tỷ đồng, do đó dẫn đến lợi nhuận gộp tăng 41%, lên hơn 53 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đạt 2,7 tỷ đồng, tăng gần 40%; chi phí tài chính đạt hơn 11 tỷ đồng, tăng 95%, do chi phí lãi vay trong kỳ tăng cao. Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Mía đường Lam Sơn có xu hướng giảm xuống khi ghi nhận chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng và 12 tỷ đồng, tương ứng lần lượt giảm 12,3% và 2,8% so với cùng kỳ niên độ trước.
Kết quả, những yếu tố trên đã giúp Mía đường Lam Sơn ghi nhận lãi sau thuế 17 tỷ đồng trong quý I niên độ 2023 – 2024, tăng hơn 124% so với cùng kỳ niên độ trước. Trong niên độ 2023/2024, Mía đường Lam Sơn đặt mục tiêu doanh thu 2.202 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 106 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I niên độ mới, Mía đường Lam Sơn mới thực hiện được hơn 21% mục tiêu doanh thu và 16% mục tiêu về lợi nhuận.
Tính đến cuối quý I niên độ 2023 – 2024 (kết thúc ngày 30/9/2023), tổng tài sản của Mía đường Lam Sơn đạt 2.352 tỷ đồng, giảm 7,4% so với đầu niên độ. Trong đó, chiếm chủ yếu là hàng tồn kho ghi nhận 420 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng 131 tỷ đồng và trả trước cho người bán ngắn hạn gần 201 tỷ đồng… Ngoài ra, Mía đường Lam Sơn ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 382 tỷ đồng, trong đó chi phí lớn nhất là dự án Công viên sinh thái tre luồng Tam Thanh 267,9 tỷ đồng, dự án Nhà máy nước mía cô đặc 47,1 tỷ đồng, dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 31,5 tỷ đồng, còn lại là công trình khác.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất quý I niên độ 2023 – 2024, về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Mía đường Lam Sơn đạt 683 tỷ đồng, giảm 23% so với đầu niên độ, chiếm chủ yếu là nợ ngắn hạn 625 tỷ đồng, nợ dài hạn 58 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm mạnh 56% xuống còn 284 tỷ đồng, chiếm 12% tổng nguồn vốn.
Kết thúc ngày 30/9/2023, Mía đường Lam Sơn có vốn chủ sở hữu đạt 1.668 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ ghi nhận ở mức hơn 745 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 85 tỷ đồng…
Nguồn: kienthuc.net.vn