Về phạm vi áp dụng, tiêu chuẩn này xác định và đưa ra yêu cầu kỹ thuật của 27 loại xi măng thông dụng khác nhau, 7 loại xi măng thông dụng bền sulfat, 3 loại xi măng xỉ lò cao cường độ sớm thấp, 2 loại xi măng xỉ lò cao bền sulfat cường độ sớm thấp, và thành phần của các loại xi măng.
Tiêu chí để định nghĩa mỗi loại xi măng bao gồm các yêu cầu kỹ thuật đối với các cấu tử tạo nên xi măng và tỷ lệ các cấu tử kết hợp với nhau để tạo ra mỗi sản phẩm đạt cường độ trong phạm vi 09 mác quy định. Tiêu chuẩn đưa ra các yêu cầu về tính chất cơ học, vật lý và hóa học. Đồng thời, tiêu chuẩn nêu rõ các tiêu chí phù hợp tiêu chuẩn và các quy tắc liên quan. Ngoài ra, tiêu chuẩn còn đưa ra các yêu cầu về độ bền lâu. Ngoài các loại xi măng bền sulfat được định nghĩa trong tiêu chuẩn này, một số loại xi măng khác đáp ứng tiêu chuẩn này hoặc các tiêu chuẩn khác cũng cho thấy có tính chất bền sulfat.
Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với các loại xi măng như: Xi măng được quy định trong EN 14216, Xi măng – Thành phần, yêu cầu kỹ thuật và tiêu chí phù hợp đối với xi măng đặc biệt tỏa nhiệt rất thấp (Cement – Composition, specifications and conformity criteria for very low heat special cements); Xi măng được quy định trong EN 15743, Xi măng sulfat hóa cao – Thành phần, yêu cầu kỹ thuật và tiêu chí phù hợp (Supersulfated cement – Composition, specifications and conformity criteria); Xi măng được quy định trong EN 14647, Xi măng aluminat canxi – Thành phần, yêu cầu kỹ thuật và tiêu chí phù hợp (Calcium aluminate cement – Composition, specifications and conformity criteria); Xi măng được quy định trong EN 413-1, Xi măng xây trát – Phần 1: Thành phần, yêu cầu kỹ thuật và tiêu chí phù hợp (Masonry cement – Part 1: Composition, specifications and conformity criteria).
Tiêu chuẩn cũng đề cập tới vật liệu puzzolan. Đây là các chất tự nhiên có thành phần silic hoặc silico-aluminous hoặc kết hợp của cả hai thành phần này. Mặc dù tro bay và silica fume có tính chất puzzolan, nhưng được quy định trong các điều khoản riêng. Bản thân vật liệu puzzolan không tự đóng rắn khi trộn với nước, nhưng khi được nghiền mịn và trong điều kiện có nước, chúng phản ứng hóa học với hydroxit canxi (Ca(OH)2) hòa tan ở nhiệt độ môi trường để tạo thành các hợp chất có khả năng phát triển cường độ – hydrosilicat canxi và hydroaluminat canxi.
Các hợp chất này tương tự như các hợp chất được hình thành trong quá trình đóng rắn vật liệu thủy lực. Các vật liệu puzzolan chứa thành phần chủ yếu là dioxit silic (SiO2) hoạt tính và oxit nhôm (Al2O3) hoạt tính. Phần còn lại gồm có oxit sắt (Fe2O3) và các oxit khác. Hàm lượng oxit canxi hoạt tính cần cho quá trình đóng rắn có thể được bỏ qua. Hàm lượng dioxit silic hoạt tính không được nhỏ hơn 25,0 % theo khối lượng. Vật liệu puzzolan cần phải được gia công, xử lý đúng quy cách, tức là được lựa chọn, đồng nhất, sấy khô, hoặc xử lý nhiệt và trộn, tùy thuộc vào tình trạng khi sản xuất hoặc giao nhận chúng.
Phong Lâm
Nguồn: vietq.vn