19 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
spot_img
Trang chủTHỊ TRƯỜNGKHẢO SÁT KHU VỰC ĐÔNG NAM Á

KHẢO SÁT KHU VỰC ĐÔNG NAM Á

Tác giả: David Bizley, Biên tập viên Tạp chí World Cement

Đăng trên Tạp chí World Cement số tháng 12/2023, Tr.12-14

Người dịch: Nguyễn Thị Kim Lan.

           Trong bài viết này, Biên tập viên Tạp chí World Cement, David Bizley, đưa ra một cái nhìn tổng quan ngắn gọn về nền kinh tế và triển vọng tương lai cho các lĩnh vực xây dựng và xi măng ở ba quốc gia Đông Nam Á: Việt Nam, Malaysia, và Indonesia.

           Tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á trong những thập kỷ gần đây đã diễn ra năng động và có nhiều chuyển biến, được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các yếu tố giúp định vị khu vực hiện nay là một cường quốc kinh tế toàn cầu. Công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Các quốc gia trong vùng đã trở thành các quốc gia quan trọng trong sản xuất, tận dụng lực lượng lao động dồi dào và vị trí địa lý chiến lược của họ để phát triển theo định hướng xuất khẩu.

            Phát triển hạ tầng cơ sở là nền tảng cho sự thành công kinh tế của khu vực, với những khoản đầu tư đáng kể vào các dự án giao thông, dịch vụ hậu cần, và đô thị hóa. Các chính phủ đã hướng mục tiêu nhằm tạo ra các thành phố hiện đại, kết nối với nhau và cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể. Việc tập trung vào hạ tầng cơ sở này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế trong nước mà còn thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

            Cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, và dân số đang ngày càng gia tăng, điều này đã dẫn đến việc tiêu thụ xi măng tăng trưởng đáng kể trong vùng. Các quốc gia như Việt Nam và Indonesia là các quốc gia đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng này, với việc các chính phủ của các quốc gia đó đầu tư rất nhiều vào phát triển hạ tầng cơ sở.

            Bài viết này sẽ đưa ra cái nhìn tổng quan ngắn gọn về thực trạng môi trường kinh tế và triển vọng tương lai đối với lĩnh vực xi măng ở ba trong số các quốc gia lớn ở Đông Nam Á: Việt Nam, Malaysia, và Indonesia.

Việt Nam

Không thể phủ nhận rằng Việt Nam là một câu chuyện thành công về kinh tế. Bắt đầu cải cách kinh tế vào giữa những năm 1980, cùng với các xu hướng toàn cầu có lợi, đã giúp đưa Việt Nam thoát khỏi vị trí từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới sang một nền kinh tế có mức thu nhập trung bình trong một thế hệ. Ngân hàng thế giới báo cáo rằng từ năm 2002 đến năm 2022, GDP bình quân đầu người đã tăng lên gấp 3,6 lần, đạt gần 3700 USD, trong khi mức độ nghèo đói giảm từ 14% trong năm 2010 xuống còn 3,8% trong năm 2020.

            Theo những nguồn tin tích cực hơn nữa, tăng trưởng kinh tế có vẻ như sẽ tiếp tục đạt được trong những năm tới, với tốc độ 4,7%, 5,5%, và 6,0% được kỳ vọng cho các năm tương ứng 2023, 2024, và 2025. Như tờ Financial Times đã báo cáo trong tháng 7 năm nay, Việt Nam là một trong số rất ít nền kinh tế toàn cầu đạt được hai năm tăng trưởng liên tục kể từ khi chấm dứt đại dịch COVID-19. Với triển vọng tương lai hiện tại, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045 phải đạt vị thế được mong đợi là trở thành quốc gia có ‘thu nhập cao.’ Tuy nhiên, không có gì đảm bảo; như tờ Financial Times nhắc nhở chúng ta: “Malaysia và Thái Lan đã từng có quỹ đạo tương tự như Việt Nam hiện nay vào cuối những năm 1990. Nhưng họ đã rơi vào cái gọi là ‘bẫy thu nhập trung bình’ – khi các quốc gia không thể chuyển đổi từ nền kinh tế chi phí thấp sang nền kinh tế giá trị cao, khiến cho rất khó cạnh tranh với cả các quốc gia có thu nhập thấp lẫn các quốc gia có thu nhập cao.”

            Ngoài việc cải thiện đời sống của người dân, Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh vào phát triển hạ tầng cơ sở, bao gồm cả đường xá, cầu, và các tiện ích đô thị, trong lịch sử đã đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự mở rộng của các lĩnh vực xây dựng và xi măng. Các thị trường bất động sản đang phát triển và đầu tư trực tiếp của nước ngoài cũng đóng một vai trò quan trọng.

Mặc dù vậy, năm 2023 vẫn chưa phải là một năm xuất sắc đối với lĩnh vực xi măng của nước này. Sự sụt giảm của thị trường bất động sản, thanh toán vốn đầu tư công chậm, và nguồn cung dư thừa đều ảnh hưởng nặng nề lên thị trường. Thực vậy, số liệu từ Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) hồi đầu năm nay đã báo cáo tình trạng mất cân đối đáng kinh ngạc, với nguồn cung 117 triệu tấn/năm so với nhu cầu nội địa chỉ 68-68,5 triệu tấn/năm, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt để giành được cơ hội kinh doanh khan hiếm. Lợi nhuận từ xuất khẩu (Việt Nam là nước xuất khẩu xi măng lớn nhất trên thế giới) cũng bị ảnh hưởng do nhu cầu của Trung Quốc chưa hồi phục và việc tăng cường các khoản thuế chống bán phá giá do chính phủ Philippine áp đặt đối với xi măng nhập khẩu của Việt Nam. Trên hết tất cả những điều đó là, giá cước vận chuyển cũng đã tăng lên 4-5 USD/tấn trong tháng 3, gây áp lực thêm lên kết quả cuối cùng của các nhà sản xuất Việt Nam.

Hiệp hội Xi măng Quốc gia Việt Nam (VNCA) đã báo cáo rằng trong 9 tháng tính đến tháng 9/2023, doanh số bán xi măng ở Việt Nam đã sụt giảm đi 21%/năm. Nhu cầu nội địa cũng đã giảm đi gần 17%/năm xuống còn 41,6 triệu tấn.

Malaysia

Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1957, Malaysia đã xoay sở để đa dạng hóa nền kinh tế của mình từ một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và hàng hóa thành một nền kinh tế như hiện nay đóng vai trò chủ chốt cho các ngành sản xuất và dịch vụ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy nước này trở thành một trong số những nước xuất khẩu thiết bị điện, phụ tùng, và linh kiện điện tử hàng đầu thế giới. Ngân hàng Thế giới báo cáo rằng, kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997- 1998, Malaysia đã duy trì một quỹ đạo kinh tế đi lên vững chắc, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 5,4% kể từ năm 2010, với việc nước này kỳ vọng sẽ đạt vị thế thu nhập cao vào năm 2024.

            Nền kinh tế Malaysia đã phát triển nhanh hơn mong đợi trong quý III của năm nay (tăng 3,3%/năm), được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa tăng cao, đã bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu. Chính phủ Malaysia dự kiến tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 4-5% – tuy ấn tượng nhưng đánh dấu sự sụt giảm đáng kể so với tốc độ tăng trưởng kỷ lục 8,7% trong năm 2022 và phản ánh nhu cầu quốc tế yếu hơn. Trong thời gian tới, chính phủ nước này đã đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm 5% cho đến năm 2025.

            Năm 2023 là một năm tích cực đối với lĩnh vực xây dựng của quốc gia này, tốc độ tăng trưởng được ghi nhận đạt 8,1%/năm trong quý II năm nay. Datuk Seri Dr Mohd Uzir Mahidin, Trưởng Phòng Thống kê thuộc Cục Thống kê Malaysia (DoSM) đã cho rằng tăng trưởng này là do tăng trưởng hai con số liên tục đạt được trong lĩnh vực xây dựng cơ bản: “Tổng cộng 12,1 tỷ RM hoặc 37,4% công trình xây dựng [đã thực hiện] là xây dựng cơ bản [chủ yếu bao gồm] thi công xây dựng đường bộ và đường sắt với giá trị là 6,5 tỷ RM trong quý này.” Cam kết của chính phủ Malaysia đối với lĩnh vực xây dựng được thể hiện rõ thông qua các sáng kiến như Chương trình Chuyển dịch Kinh tế (ETP) và Chương trình Chuyển dịch Ngành Xây dựng (CITP), nhằm mục đích nâng cao hiệu suất, tính bền vững, và tính cạnh tranh. Lĩnh vực này đã gặp phải những thách thức, như nhu cầu đối với lao động có tay nghề và tác động của các yếu tố kinh tế bên ngoài, tuy nhiên những nỗ lực không ngừng đang tập trung vào việc giải quyết các vấn đề này.

Thực vậy, thành công của lĩnh vực xây dựng đã được phản ánh trong các kết quả đạt được của các nhà sản xuất xi măng của nước này. Cổ phiếu của Hume Cement, ví dụ, mới đây đã tăng mạnh 24% sau khi lợi  nhuận Quý III được báo cáo là tăng gấp 14 lần. Công ty cho biết dự kiến sẽ hưởng lợi từ sự hồi phục liên tục các hoạt động xây dựng dựa trên dự báo tăng trưởng kinh tế 4,5% ở Malaysia cho năm 2023. Công ty vẫn lạc quan khi quá trình phục hồi sau đại dịch của đất nước tiếp tục diễn ra, là tín hiệu tốt cho tăng trưởng nhu cầu xi măng trong nước.

Indonesia

Indonesia là nơi có nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á, có dân số 273 triệu người và hơn 300 nhóm dân tộc, khiến cho nước này trở thành quốc gia có dân số đông đứng thứ tư trên thế giới  và là nền kinh tế lớn đứng thứ 10 xét về sức mua tương đương. Trong những thập kỷ gần đây, nước này đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong việc giảm nghèo, cắt giảm lãi suất một nửa trong giai đoạn từ 1999 – 2019 xuống dưới 10%.

            Tuy nhiên, nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, và đã chuyển từ nền kinh tế thu nhập trung bình cao xuống nền kinh tế thu nhập trung bình thấp kể từ tháng 7/2021 và khiến cho tỷ lệ nghèo đói tăng từ 9,2% lên 9,7%. Những năm tới hứa hẹn nhiều vận may khác nhau cho nước này; OECD dự đoán tốc độ tăng trưởng là 4,7% và 5,1% tương ứng các năm 2023 và 2024 nhờ giá cả hàng hóa tăng mạnh, trong khi những cơn gió ngược kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng và biến đổi khí hậu mang đến những nguy cơ tiềm ẩn.

            Giống như nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, lĩnh vực xây dựng đã chứng kiến sự tăng trưởng trong những thập kỷ trước nhờ sự bùng nổ các dự án hạ tầng cơ sở; lĩnh vực này đã hưởng lợi từ cam kết của chính phủ đối với việc phát triển các mạng lưới giao thông vận tải, các cơ sở năng lượng, và các trung tâm thành thị. Sự bùng nổ xây dựng ở Indonesia đã đạt được nhờ đầu tư công và tư nhân, góp phần tạo ra công ăn việc làm và phát triển kinh tế. Trong những năm gần đây, sáng kiến “Tạo nên Indonesia 4.0”, nhấn mạnh vào những tiến bộ công nghệ, cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành này.

            Tương tự như Việt Nam, ngành xi măng Indonesia đã phải vật lộn với các vấn đề về dư thừa công suất. Kết thúc năm 2022, công suất sản xuất lắp đặt được dự kiến sẽ đạt là 116,8 triệu tấn, và dự báo sẽ tăng lên xấp xỉ 120 triệu tấn, nhưng mức tận dụng chỉ đạt khoảng 54% và được dự kiến sẽ không tăng nhiều hơn mức này cho đến ít nhất vào năm 2025, theo PT Indocement cho biết.

            Mặc dù vậy, ngành xi măng của nước này vẫn thu hút đầu tư bên ngoài. Trong tháng 10, Heidelberg Materials đã công bố rằng đã ký kết một thỏa thuận để mua lại 100% cổ phần trong nhà máy xi măng đồng bộ của PT Semen Grobogan ở Central Java. Mới chỉ được đưa vào sản xuất thương mại vào năm 2022, nhà máy có thương hiệu mới có công suất 1,8 triệu tấn clinker/năm và 2,5 triệu tấn xi măng/năm với nguồn trữ lượng đá vôi dự kiến sẽ kéo dài hơn 50 năm.

Tóm lại

            Cho dù chịu tác động của đại dịch, triển vọng kinh tế tương lai của vùng Đông Nam Á là rất lạc quan, được đánh dấu bằng sự tăng trưởng năng động được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ, phát triển hạ tầng cơ sở, và lợi ích nhân khẩu học. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và những tiến bộ về công nghệ góp phần tạo nên sức sống kinh tế của vùng. Những thách thức bao gồm các quan ngại về môi trường và các chênh lệch về kinh tế xã hội. Hợp tác kinh tế vùng thông qua các tổ chức như ASEAN tăng cường sự ổn định. Cho dù những cơn gió ngược kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu liên tục mang đến rủi ro, tương lai cũng hứa hẹn sự tăng trưởng liên tục, các ngành công nghiệp mới nổi, và việc theo đuổi sự phát triển bền vững liên tục ở Đông Nam Á.

Bài tiếp theo

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

Xem thêm