Thái Lan đang có kế hoạch biến thủ phủ công nghiệp xi măng Saraburi thành thành phố phát thải carbon thấp đầu tiên.
Thái Lan bắt đầu có những hành động cụ thể nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2065. Một trong những kế hoạch đáng chú ý là dự án “Saraburi Sandbox”, hợp tác công tư, biến thủ phủ công nghiệp xi măng Saraburi thành thành phố phát thải carbon thấp kiểu mẫu đầu tiên của Thái Lan.
Saraburi thuộc miền Trung Thái Lan, tập trung nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp nặng, đặc biệt là xi măng. Hơn 80% tổng sản lượng xi măng của Thái Lan được làm ra tại tỉnh này. Do đó, Saraburi gắn liền với những vấn đề về ô nhiễm môi trường. Theo báo cáo hướng dẫn giảm phát thải nhà kính cấp tỉnh, năm 2015, Saraburi phát thải ra 27,93 triệu tấn CO2, trong đó, quá trình công nghiệp chiếm hơn 68,3%; ngành năng lượng đứng thứ hai với tỷ lệ 16,9%.
Dự án có mục tiêu thực hiện các cam kết thí điểm phù hợp với lĩnh vực then chốt được nêu trong Lộ trình đóng góp do quốc gia tự quyết định về việc ứng phó với biến đổi khí hậu (NDC) của nước này. Ví dụ sử dụng nguyên liệu carbon thấp, áp dụng công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon; chuyển đổi năng lượng; nông nghiệp xanh. Nhờ vậy, góp phần đáng kể vào việc giảm phát thải nhà kính phù hợp với mục tiêu Net Zero.
Nói về việc lựa chọn Saraburi, ông Thammasak Sethaudom, Phó chủ tịch điều hành SCG, một trong những doanh nghiệp đẩy mạnh sáng kiến, cho biết tỉnh có tiềm năng thể hiện quá trình chuyển đổi của Thái Lan sang xã hội carbon thấp. Thực tế, Saraburi có hoạt động kinh tế đa dạng, gồm công nghiệp nặng, nông nghiệp, du lịch sinh thái.
“Saraburi nếu chuyển đổi thành công có thể thúc đẩy các tỉnh khác làm theo được”, ông nói.
Ông Kitipong Promwong, Chủ tịch văn phòng Hội đồng Chính sách Đổi mới, Khoa học, Nghiên cứu, Giáo dục Bậc cao Đại học Quốc gia, nói một số nỗ lực đã được triển khai. Ví dụ, các công trình xây dựng tại Saraburi từ 2024 phải sử dụng xi măng carbon thấp hơn (vật liệu xây dựng mới chống biến đổi khí hậu – hiện xi măng thông thường góp khoảng 8% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu). Các doanh nghiệp xi măng tại địa phương này cũng sẽ tích cực xuất khẩu các sản phẩm xanh.
Với nông nghiệp, người dân được hướng dẫn kỹ thuật tưới khô ngập luân phiên trong canh tác lúa nhằm giảm lượng nước tiêu thụ, chi phí và khí thải nhà kính. Trên những khu vực đất không còn khả năng canh tác, nông dân Saraburi sẽ trồng cỏ voi. Đây là loại cây trồng dùng làm nguyên liệu cho sản xuất viên nén gỗ. Ngoài ra, 38 khu rừng cộng đồng trên toàn tỉnh cũng được thiết lập nhằm tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, tạo tiền đề cho du lịch sinh thái.
“Những hoạt động này không chỉ giảm hàm lượng carbon phát thải mà còn góp phần bảo đảm sinh kế cho người dân”, ông Kitipong Promwong cho biết.
Với năng lượng, ông Charoenchai Chaliewkriengkrai, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp tỉnh Saraburi, cho rằng cần tự do hóa thương mại điện sạch thông qua hiện đại hoá lưới điện. Ông nói, lĩnh vực công và tư nhân cần tận dụng chung mạng lưới điện để tiếp cận đường truyền thuận tiện hơn. Ngoài ra, cần có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp phát triển các công nghệ lưu trữ pin hiệu quả, tiết kiệm chi phí, có thêm các nguồn năng lượng hơn.
Một hướng quan trọng khác cũng được cộng đồng doanh nghiệp nước này nêu ra là chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Ba ngành công nghiệp chủ chốt tại Thái Lan gồm bao bì, ôtô, xây dựng đã cam kết bắt tay vào con đường này.
Kế hoạch đã được cộng đồng doanh nghiệp trình lên Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. “Đây là thành phố công nghiệp trọng điểm, có nhiều thách thức, nên để thành công, chúng ta cần thúc đẩy quan hệ hợp tác liên ngành thông qua các giải pháp, nguồn vốn chiến lược”, ông Srettha Thavisin lưu ý. Ông khuyến khích các bên tham gia vì sự thành công của Saraburi Sandbox – bởi đây có thể là tấm gương sáng cho các thành phố, ngành công nghiệp khác trong tương lai.
Hướng đến mục tiêu Net Zero vào 2065, Chính phủ Thái Lan cũng dự kiến ưu tiên triển khai các chính sách quản lý chất thải và ủng hộ mua sắm công xanh. Với năng lượng tái tạo, Thái Lan cam kết tối ưu hóa sử dụng, tìm kiếm cơ hội khai thác, giao thương. Định hướng này sẽ hứa hẹn thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn nước ngoài trong tương lai.
Đức Minh
Nguồn: vnexpress.net