Vicem cho rằng 2023 là năm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ khi hoạt động khi sản lượng tiêu thụ, xuất khẩu xi măng và clinker suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò.
Khó khăn chưa từng có
2023 là một năm khó khăn với các doanh nghiệp ngành xi măng do tác động của sự suy giảm nhu cầu xây dựng toàn cầu, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục khiến sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) sụt giảm, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò…
Đó là nhận định của Tổng Giám đốc Vicem Lê Nam Khánh tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, triển khai mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 của Vicem vừa diễn ra ngày 8/1.
Bộ Xây dựng ước tính sản lượng sản xuất năm 2023 đạt 89,4 triệu tấn, giảm khoảng 5,4% so với năm 2022; lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu tấn, giảm khoảng 6%.
Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 56,8 triệu tấn, giảm khoảng 10% so với năm trước. Xuất khẩu xi măng và clinker khoảng 32,6 triệu tấn, tăng khoảng 2%; giá trị xuất khẩu ước đạt 1,23 tỷ USD.
Đối với Vicem, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker của doanh nghiệp này đạt 22,6 triệu tấn, đạt 90% kế hoạch năm 2023 và giảm 18% so với thực hiện năm 2022. Riêng tiêu thụ xi măng trong năm vừa qua ở mức 20,4 triệu tấn, đạt 89% kế hoạch năm và giảm 16,7% so với thực hiện năm 2022.
Cụ thể, tiêu thụ xi măng nội địa là 17,63 triệu tấn, đạt 89,6% kế hoạch năm 2023 và giảm 17,6% so với thực hiện năm 2022; tiêu thụ xi măng xuất khẩu là 2,85 triệu tấn, đạt 85,1% kế hoạch năm 2023 và giảm 11% so với năm ngoái.
Với sản lượng trên, doanh thu của Vicem ghi nhận trong năm 2023 đạt 30.169 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch năm và giảm hơn 23% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ lỗ hơn 500 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1.476 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Vicem Lê Nam Khánh phát biểu tại hội nghị
Lãnh đạo Vicem cho biết, hiện công suất thiết kế của các nhà máy xi măng ở Việt Nam lên đến 120 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu xi măng chỉ khoảng 65 triệu tấn, dư thừa gần một nửa. Hiện tồn kho clinker rất lớn, phải đổ ra các bãi ngoài trời, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn làm ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do lĩnh vực bất động sản đóng băng, cả nước không có dự án lớn nào khởi công hay xây dựng. Trong khí đó, giá điện, than, vật tư, nguyên liệu đầu vào để sản xuất xi măng đều tăng đáng kể làm cho Vicem như đứng ngồi trên đống lửa.
“Xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời tiếp tục tăng, trong khi đó Vicem chủ yếu vẫn là xuất xi măng đóng bao vì vậy cũng phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty trong thời gian qua” lãnh đạo Vicem nhận định.
Kế hoạch năm 2024 ra sao?
Bước sang năm 2024, Vicem cho rằng nhu cầu xi măng trong nước khó tăng trưởng cao, nguồn cung xi măng vượt xa cầu, một số dây chuyền mới dự báo đi vào sản xuất như Vissai Đại Dương 2, Xi măng Xuân Sơn, cạnh tranh thị trường xi măng ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục gặp khó.
Theo đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu sản xuất khoảng 17 triệu tấn clinker, tăng 3% so với năm 2023. Tổng sản lượng tiêu thụ ở mức 24,31 triệu tấn, tăng 7,7%. Riêng tiêu thụ xi măng nội địa là 18,57 triệu tấn, tăng 5,3%. Tổng doanh thu trong năm 2024 ở mức 29.814 tỷ đồng.
“Do rất khó đoán định về tình hình biến động giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và nhu cầu xi măng chưa có dấu hiệu phục hồi nên Vicem và các đơn vị thành viên đang đánh giá kỹ lưỡng các thông tin và điều kiện thực tế hoạt động, rà soát tiết giảm tối đa các chi phí để phấn đấu xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2024 ở mức cao nhất có thể”, Vicem cho biết.
Năm nay, Vicem tiếp tục định hướng tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực chủ yếu gồm: Dự án đầu tư mỏ nguyên liệu; nhóm dự án đầu tư chiều sâu; triển khai hoàn thiện dự án Trung tâm Điều hành và Giao dịch Vicem. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ dồn trọng tâm vào các dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện.
Thời gian tới, Vicem sẽ chú trọng công tác duy tu, bảo trì sản xuất ổn định; thực hiện tiết giảm chi phí sửa chữa máy móc, thiết bị, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu để nâng cao sản xuất kinh doanh. Đồng thời, bám sát tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ giữa khối sản xuất và tiêu thụ để rà soát, xây dựng các kịch bản và linh hoạt lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên bám sát diễn biến thị trường tiêu thụ, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào để có các giải pháp xây dựng giá bán và chính sách bán hàng linh hoạt theo từng chủng loại, địa bàn, thị trường.
Đồng thời nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới để tăng sức cạnh tranh trong mọi phân khúc, đặc biệt các phân khúc mà sản phẩm của Vicem còn trống; Tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu mới để gia tăng sản lượng xuất khẩu xi măng, clinker…
Thực hiện nghiêm kỷ cương trong phối hợp thị trường về địa bàn, giá bán để tăng sức mạnh cạnh tranh và tận dụng lợi thế, quy mô của các đơn vị.
Nguồn: cafeland.vn