(TN&MT) – Sản xuất xi măng là một trong những lĩnh vực đang tiên phong về giảm phát thải khí nhà kính. Song song với quá trình này, doanh nghiệp có cơ hội tăng doanh thu từ việc tiếp nhận xử lý, tái chế chất thải từ các ngành khác làm nguyên, nhiên liệu đầu vào. Từ đó, hướng tới xây dựng một ngành công nghiệp hỗ trợ nền kinh tế phát triển theo hướng tuần hoàn, bền vững với môi trường.
Tiềm năng xử lý rác song hành với giảm phát thải
Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga) với công suất đạt 110 triệu tấn năm 2021. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới, chiếm 12,5% tổng lượng xuất khẩu xi măng toàn cầu.
Theo ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng, lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất trong toàn ngành Xây dựng. Thống kê từ năm 2016 đến nay, phát thải từ sản xuất xi măng chiếm tới 70% tổng phát thải của lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và là đối tượng phải thực hiện giảm phát thải chính.
Các chuyên gia nhận định, hơn một nửa lượng CO2 phát thải từ quá trình sản xuất clanke, còn lại đến từ quá trình nghiền clanke, phụ gia và các chất thay thế xi măng như xỉ, tro bay; sử dụng nhiên liệu bổ sung cho việc phát điện tại chỗ; xử lý nhiên liệu hoặc tro bay trong các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, phát thải gián tiếp do tiêu thụ điện năng phục vụ hoạt động của cơ sở sản xuất cũng là vấn đề cần quan tâm.
Chia sẻ kinh nghiệm ở Nhật Bản, ông Naoki Aoki – đại diện Hiệp hội Xi măng Nhật Bản cho biết, ngoài kinh doanh sản phẩm xi măng, các doanh nghiệp đã mở rộng ngành kinh doanh thứ hai, đó là tiếp nhận các chất thải vào ra nhà máy xi măng làm nguyên liệu. Giá trị đồng xử lý trung bình của toàn ngành xi măng là 476kg/tấn xi măng chất thải và phụ phẩm. Chủng loại nguyên, nhiên liệu thay thế cũng rất đa dạng: Tro than, xỉ lò, thạch cao nhân tạo, tro muội, vật liệu xây dựng, xỉ hợp kim, sắt, thép kính, bùn hoạt tính, thịt và xương thừa, lốp xe, chất thải khai thá mỏ, nhựa, gỗ, dầu tái chế, dầu thải rác công nghiệp…
Kết quả, ngành công nghiệp xi măng đã tái chế được khoảng 5% tổng lượng chất thải, chiếm 10% tổng lượng vật liệu tái chế của cả nước Nhật. Đây cũng là lời giải cho bài toán thiếu các bãi chôn lấp rác do thiếu đất và quy mô các bãi còn lại không nhiều. Việc nhà máy xi măng tiếp nhận lượng lớn rác thải đã giúp kéo dài vòng đời các bãi chôn lấp rác thêm khoảng 10 năm nữa.
Ông Naoki Aoki cho biết thêm, nhà máy xi măng cũng tiếp nhận các loại rác thải sau thiên tai như gỗ, vật liệu phế thải, bụi, bùn ô nhiễm, chất thải không cháy… góp phần vào quá trình phục hồi, giảm bớt gánh nặng môi trường. Vì thế, Hiệp hội hiện là thành viên của nhóm khôi phục các khu vực bị thiên tai trong trường hợp xảy ra thảm họa quốc gia.
Việt Nam cũng là nước thường xuyên xảy ra thiên tai, và ngành xi măng hoàn toàn có thể đóng góp vào công cuộc xây dựng xã hội tái chế bằng việc tiếp nhận các loại rác thải thiên tai, công nghiệp làm nguyên liệu thô cho xi măng và năng lượng.
Còn nhiều khó khăn
Tại Việt Nam, mục tiêu sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế và giảm phát thải CO2 trong sản xuất xi măng đã được đưa vào Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng 2050. Theo đó, đến năm 2030, tỷ lệ clinker trong xi măng tối đa còn 65%, xử lý ít nhất 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp và các nguồn nhiên liệu thay thế chiếm 15%.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép và ủng hộ của các bộ ngành, địa phương thử nghiệm xử lý rác thải, bùn thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế tại một số nhà máy của VICEM. Trong các nhà máy thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), tỷ lệ clanke/xi măng trung bình đang là 74%. Những nguyên, nhiên liệu thay thế phổ biến là xỉ lò cao, tro bay, tro đáy từ các nhà máy nhiệt điện, rác công nghiệp, bùn thải. Giá trị đồng xử lý cao nhất ghi nhận tại Nhà máy Hà Tiên 1 với 440 kg/tấn xi măng.
Khó khăn từ các nhà máy xi măng của Việt Nam, theo ông Dương Ngọc Trường – Phó Ban An toàn Môi trường, VICEM, khi sử dụng chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế, doanh nghiệp phải đánh giá tác động môi trường và xin cấp Giấy phép môi trường. Việc tự xử lý chất thải nguy hại trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường hoặc Giấy phép môi trường thành phần (quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022). Việc thu gom rác đủ số lượng, chất lượng cho vận hành hệ thống xử lý cũng là thách thức trong việc đạt mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế các dây chuyền sản xuất.
Theo các chuyên gia, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ vướng mắc từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT đang hướng dẫn các nhà máy xi măng thực hiện kiểm kê khí, làm căn cứ hỗ trợ cho lãnh đạo các doanh nghiệp ra quyết định trong việc lựa chọn những giải pháp giảm phát thải phù hợp với điều kiện doanh nghiệp. Đây cũng là thông tin đầu vào để đánh giá việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải của ngành vật liệu xây dựng nói chung trong thời gian tới.