Mặc dù nhu cầu tiêu thụ chưa hoàn toàn khởi sắc nhưng biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng tại Việt Nam có thể được cải thiện trong quý 3 này nhờ chi phí đầu vào giảm và hiện tượng El Nino.
Nhu cầu tiêu thụ xi măng yếu, tăng trưởng doanh thu “đi lùi”
Theo dữ liệu của KIS Vietnam Securities, đà tăng trưởng lợi nhuận gộp trong quý 2/2023 của 14 doanh nghiệp xi măng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã suy giảm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu trong quý 2/2023 cũng giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2022 do lực cầu yếu từ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mặc dù lợi nhuận ròng gộp của các doanh nghiệp xi măng đã trở lại mức dương, tuy nhiên, gần một nửa số công ty được KIS Vietnam theo dõi vẫn ghi nhận lỗ trong quý 2/2023. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào (than cốc) giảm là động lực chính giúp cải thiện lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp xi măng trong quý 2/2023.
Phân tích sâu hơn về mức tăng trưởng doanh thu gộp của từng công ty cho thấy 11 trong số 14 doanh nghiệp xi măng có mức tăng trưởng doanh thu âm, do lực cầu yếu. Trong đó, Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Hà Tiên (mã cổ phiếu HT1 – sàn HoSE) là doanh nghiệp có doanh thu hàng đầu trong ngành, ghi nhận doanh thu trong quý 2/2023 giảm hơn 16% so với quý 2/2022.
Tương tự, doanh thu của Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (mã cổ phiếu BCC – sàn HNX) và của Công ty Cổ phần Xi măng Bút Sơn (mã cổ phiếu BTS – sàn HNX) lần lượt ghi nhận tăng trưởng -21% và – 13% so với quý 2/2022. Chỉ duy nhất Công ty Cổ phần Xi măng Sài Sơn (mã cổ phiếu SCJ – sàn UPCoM) ghi nhận tăng trưởng doanh thu quý 2/2023 cao nhất, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện các doanh nghiệp xi măng đã hoàn thành từ 37 – 54% mục tiêu doanh thu cả năm nay.
Xét về lợi nhuận ròng gộp, mức lợi nhuận ròng gộp của toàn ngành xi măng Việt Nam trong quý 2/2023 đã khả quan hơn, chủ yếu nhờ mức lợi nhuận tốt từ các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu.
Trong số 14 doanh nghiệp sản xuất xi măng niêm yết, VICEM Hà Tiên đã có sự thay đổi lớn về lợi nhuận sau thuế, từ mức -85.6 tỷ đồng trong quý 1/2023 lên 58 tỷ đồng trong quý 2/2023, đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của toàn ngành. Trong khi đó, Xi măng Bỉm Sơn và Xi măng Bút Sơn vẫn lỗ lần lượt là 6,7 tỷ đồng và 17,2 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp hiện đã hoàn thành từ 0 – 153% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm nay. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất lớn đều mới hoàn thành được một phần rất nhỏ, thậm chí 0% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Dự báo biên lợi nhuận của doanh nghiệp xi măng sẽ được cải thiện
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp giữa các doanh nghiệp xi măng đã có sự biến đổi khác nhau. Điển hình, biên lợi nhuận gộp của VICEM Hà Tiên và Xi măng Bỉm Sơn đã được cải thiện do chi phí đầu vào đã giảm. Mặt khác, biên lợi nhuận gộp của Xi măng Bút Sơn lại giảm xuống trong 3 quý vừa qua do doanh nghiệp này gặp phải sự cạnh tranh gay gắt hơn và phải bán clinker dưới giá thành sản xuất.
Hiện KIS Vietnam nhận định ngành xi măng Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt các thách thức trong quý 3/2023 do mùa mưa đến khiến hoạt động xây dựng giảm tốc. Tuy nhiên, hiện tượng El Nino có thể làm tăng số ngày khô hạn trong những tháng tới đây, điều này có thể giúp ích cho tình hình tiêu thụ xi măng.
KIS Vietnam dự báo tổng sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý 3/2023 sẽ tương đương với quý 2/2023, ở mức 23,8 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với nguyên vật liệu đầu vào, việc giá đầu vào giảm mạnh thời gian gần đây sẽ có lợi cho hầu hết các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Hiện KIS Vietnam nhận định không có biến động tăng giá bất thường đáng kể nào trong quý 3/2023 đối với giá than cốc thế giới. Do đó, biên lợi nhuận ngành xi măng sẽ được cải thiện trong quý 3/2023.
Đối với kênh xuất khẩu, xuất khẩu xi măng của cả nước trong quý 2 vừa qua đạt 7,8 triệu tấn và kim ngạch đạt 347 triệu USD, tăng 27% về khối lượng và gần 22% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu đã chững lại so với quý 1/2023. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong quý 2/2023 giảm tới 78% so với quý 2/2022, xuống còn 0,3 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này theo đó cũng giảm 80,3%. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới trong bối cảnh lực cầu yếu từ thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành xi măng Việt Nam.