30 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng mười một 15, 2024
spot_img
Trang chủTIN TỨC XI MĂNGTRONG NƯỚCDoanh nghiệp xi măng, sắt thép, gạch ốp lát… cần gỡ khó

Doanh nghiệp xi măng, sắt thép, gạch ốp lát… cần gỡ khó

Tiêu thụ chậm, kinh doanh ế ấm, doanh thu sụt giảm, không ít dây chuyền sản xuất phải dừng hoạt động… là tình cảnh chung của doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng.

Gần chục dây chuyền xi măng dừng hoạt động

Thị trường chậm lại từ quý IV/2022 và thực sự “rơi” từ đầu năm 2023 tới nay, do các yếu tố không thuận như bất động sản giảm sâu, giải ngân đầu tư công chậm, kinh tế toàn cầu phục hồi không như kỳ vọng nên doanh nghiệp xi măng, sắt thép, gốm sứ xây dựng, bê tông… đều trong cảnh sụt giảm mạnh doanh thu, khá hơn thì lợi nhuận lao dốc, còn lại là báo lỗ.

Do nguồn cung dư so với cầu hơn 40 triệu tấn, tiêu thụ nội địa chỉ quanh mức 62-63 triệu tấn/năm, kênh xuất khẩu cũng giảm từ 2 năm nay, ngành xi măng đang trong giai đoạn buồn thảm nhất, số lượng doanh nghiệp xi măng báo lỗ không ngừng tăng.

Do tiêu thụ khó khăn, ngành xi măng đã có gần chục dây chuyền phải dừng hoạt động.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) có 10 doanh nghiệp sản xuất, nhưng hết quý III/2023, xuất hiện nhiều tên tuổi báo lỗ.

Vicem Hà Tiên, doanh nghiệp lớn nhất trong hệ thống Vicem báo lỗ vài chục tỷ đồng trong 9 tháng năm 2023, doanh thu của Vicem Hà Tiên mới đạt 5.265 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, lỗ hơn 37 tỷ đồng. Trong khi, cùng kỳ năm 2022, doanh nghiệp xi măng này báo lãi hơn 200 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, gạch ốp lát Ấn Độ đang ồ ạt vào thị trường Việt Nam, năm 2022 đã tăng gấp 3 lần năm 2021, quý I/2023 cũng tăng gấp 3 lần quý I/2022, giá bán rất thấp. Đề nghị Chính phủ cho phép áp thuế chống bán phá giá để góp phần bảo vệ ngành sản xuất gạch ốp lát trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Do tiêu thụ chậm, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai phải dừng lò chủ động 29 ngày, giảm năng suất lò, giảm sản lượng clinker sản xuất trong quý III/2023 để tránh sản xuất tồn bãi. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 9, Công ty thua lỗ gần 26 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp lớn như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn… cũng sụt giảm doanh thu và lợi nhuận âm lần lượt 112 tỷ đồng và 64 tỷ đồng. Đáng nói, năm 2022, các doanh nghiệp xi măng này đều gần như lỗi hẹn với kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra. Đơn cử, năm 2022, Vicem Bỉm Sơn chỉ hoàn thành 86,7% kế hoạch doanh thu và 83% kế hoạch lợi nhuận.

Doanh nghiệp ngành gốm sứ xây dựng cũng không kém phần bi đát, khi đóng băng, tê liệt cả trong sản xuất và lưu thông, dẫn tới doanh thu toàn ngành tụt xuống 2 tỷ USD trong 2 năm gần đây (trong khi trước Covid-19 khoảng 3 tỷ USD).

Công suất gạch ốp lát các loại là 800 triệu m2 và 24 triệu sản phẩm sứ vệ sinh. Tuy nhiên, báo cáo của Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cho hay, năm 2021-2022, cả gạch ốp lát và sứ xây dựng chỉ khai thác được 60-65% công suất thiết kế; năm 2023, gạch ốp lát chỉ huy động được 50% công suất.

Với ngành kính xây dựng cũng không sáng hơn. Sản lượng sản xuất kính xây dựng chỉ đạt khoảng 174 triệu m2, bằng 50% so với tổng công suất thiết kế. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 138,5 triệu m2, bằng 79,6% lượng sản xuất. Sản lượng bê tông sản xuất 10 tháng ước đạt 129 triệu m3, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu toàn ngành kính xây dựng 9 tháng ước giảm 60-70% so với cùng kỳ.

Đối với ngành thép, 9 tháng năm 2023, sản xuất thép thô đạt hơn 14 triệu tấn, giảm 13%, tiêu thụ đạt 13,869 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ 2022.

Sản xuất thép thành phẩm đạt 20,1 triệu tấn, giảm 13,3%, tiêu thụ đạt gần 19 triệu tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ.

Không chỉ tiêu thụ chậm, giá bán các loại vật liệu cũng giảm đáng kể do cầu yếu. Đơn cử, từ đầu năm 2023, giá bán thép xây dựng nội địa điều chỉnh giảm 14 lần kể từ tháng 3/2023 đến trung tuần tháng 9.

Kiến nghị giải pháp gỡ khó

Trước tình trạng tắc đầu ra, 8 hiệp hội vật liệu xây dựng nhiều lần kêu cứu, mong Chính phủ, các bộ, ngành sớm có giải pháp gỡ khó.

Theo ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế nên thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ. Nếu điều này không được tháo gỡ, nguy cơ phá sản của một lượng đáng kể doanh nghiệp gốm sứ.

Các hiệp hội ngành hàng đề xuất giảm lãi suất vay tới 2% đến hết năm 2024; kéo dài và giữ nguyên các khoản nợ đến hết năm 2024 và không tính lãi quá hạn các khoản vay này, cùng với đó là việc hoàn thuế xuất nhập khẩu kịp thời…

Được biết, Bộ Xây dựng vừa lấy ý kiến các bộ, ngành về một loạt giải pháp gỡ khó cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng trước khi chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo Bộ Xây dựng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng hàng năm đóng góp khoảng 6,5-7% GDP, có vai trò quan trọng đối với phát triển chung của ngành xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó, để giảm bớt khó khăn, Bộ đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục kéo dài việc thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng, cho phép tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker, giảm thuế suất thuế xuất khẩu clinker về 0% đến hết năm 2025.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, các địa phương tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.

Nguồn: baodautu.vn

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

Xem thêm