Xi măng alumin là loại xi măng mác cao, bền trong môi trường sunphat, thường được sử dụng trong những hạng mục thi công cần thời gian gấp, yêu cầu khả năng chịu nhiệt và chịu lửa tốt hoặc dùng cho những cấu trúc nghiêng dưới mặt đất, mặt nước.
Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, việc tái chế phế thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) được nhiều người quan tâm. Đây cũng là một trong những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững trong xây dựng.
PGS.TS Lưu Thị Hồng, Phó Viện trưởng VIBM phát biểu tại hội thảo
Vừa qua, Viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng (VIBM) đã tổ chức hội thảo khoa học “Tái chế phế thải công nghiệp làm nguyên liệu – Hướng tới phát triển bền vững”, cung cấp các giải pháp hữu hiệu trong việc sử dụng các loại phế thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất VLXD.
Tại hội thảo, PGS.TS Lưu Thị Hồng, Phó Viện trưởng VIBM cho biết, số lượng phế thải công nghiệp cũng ngày càng gia tăng cả về chủng loại và khối lượng. Trong đó, nhiều loại chất thải có thể tái chế sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất VLXD như các phế thải oxit nhôm từ quá trình sản xuất nhôm tấm, sản xuất alumin, sản xuất dầu mỏ, các loại vỏ nhuyễn thể…
“Hiện VIBM được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện dự án nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất xi măng alumin từ nguồn phế thải công nghiệp.
Ngoài ra, VIBM cũng được Bộ Xây dựng giao nghiên cứu công nghệ sử dụng phế thải là vỏ hàu, vỏ sò làm nguyên liệu sản xuất VLXD và hệ thống hóa cơ sở dữ liệu VLXD phục vụ quản lý nhà nước”, bà Lưu Thị Hồng thông tin.
Giới thiệu công nghệ sản xuất xi măng alumin, lãnh đạo VIBM cho biết đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất xi măng alumin. Theo đó, nguyên liệu ban đầu được nghiền mịn, đưa vào silo để định lượng, sau đó đưa vào máy trộn khô, trộn ẩm, tạo hình, sấy nung và trộn nghiền, đóng bao.
Xi măng alumin là gì?
VIBM cho biết, xi măng alumin là loại xi măng mác cao, bền trong môi trường sunphat, nhưng đóng rắn nhanh. Thành phần khoáng chủ yếu của loại xi măng này là CA, C12A7, CA2 và một tỷ lệ nhỏ các khoáng C2S, C2AS, CF và dung dịch rắn của dãy CA-CF. Nguyên liệu chủ yếu dùng để sản xuất xi măng alumin là quặng boxit ít sắt oxit và đá vôi.
Theo đó, thời gian bắt đầu đông kết của xi măng alumin khoảng 30-40 phút, thời gian kết thúc đông kết thường sớm hơn 10 giờ. Cường độ kháng nén trong 24 giờ thường đạt 60% mác và 3 ngày đạt 100% mác.
Xi măng alumin hiện nay được chia thành 2 nhóm lớn: xi măng alumin mở rộng và xi măng alumin trộn lẫn.
Ưu điểm của xi măng alumin
Xi măng alumin có khả năng làm cứng nhanh trong không khí hoặc nước, điều này rất phù hợp cho những công trình yêu cầu thời gian xây dựng nhanh. Ngoài ra, loại xi măng này còn có khả năng chống thấm nước, chống sương giá, chống ăn mòn.
Xi măng alumin là loại xi măng mác cao, bền trong môi trường sunphat
Sản phẩm có khả năng miễn dịch với các thành phần của môi trường bên ngoài như là các loại hợp chất hóa học có thể ảnh hưởng đến cấu trúc xi măng: nước chứa sulphite cứng trong các hoạt động khai thác, khí độc…
Độ bám dính tuyệt vời và khả năng chống cháy cũng là một trong những tính năng giúp xi măng alumin được nhiều công trình sử dụng.
Xi măng alumin được chia thành 2 nhóm lớn: xi măng alumin mở rộng và xi măng alumin trộn lẫn
Tuy nhiên, xi măng alumin cũng có nhược điểm như chi phí sản xuất cao, các thiết bị và công nghệ sử dụng trong quá trình sản xuất loại xi măng này thường được yêu cầu cao về độ bền cũng như những quy chuẩn nghiêm ngặt về nhiệt độ.
Ứng dụng của xi măng alumin trong ngành xây dựng
Xi măng alumin thường được sử dụng để hàn gắn vết nứt của công trình, làm chất kết dính cho bê tông chịu nhiệt và chịu lửa tùy theo thể loại cốt liệu
Với việc sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội so với những dòng xi măng thông thường, xi măng alumin được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực xây dựng.
Thông thường, xi măng alumin sẽ được lựa chọn cho những hạng mục thi công cần thời gian gấp, yêu cầu khả năng chịu nhiệt và chịu lửa tốt hoặc dùng cho những cấu trúc nghiêng dưới mặt đất, mặt nước.
Ngoài ra, loại xi măng này còn được dùng để hàn gắn vết nứt của công trình, làm chất kết dính cho bê tông chịu nhiệt và chịu lửa tùy theo thể loại cốt liệu. Nhờ khả năng chống ăn mòn cao, xi măng alumin còn phù hợp để sửa chữa cốt thép, bít nhanh các giếng khoan rò rỉ dầu, khí, nước…
Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn giải pháp thi công phù hợp với thời gian đông kết nhanh của xi măng alumin; dùng với thạch cao làm phụ gia giãn nở cho xi măng giãn nở các loại (để điều chỉnh thời gian đông kết của xi măng alumin có thể sử dụng các phụ gia như axit citric, axit boric).
Nguồn: cafeland.vn