TP HCMBà Mạnh, 84 tuổi, đau lưng nặng sau khi té ngã, bác sĩ bơm xi măng sinh học để làm vững đốt sống xẹp, khôi phục khả năng vận động.
Bà Nguyễn Thị Mạnh (ở Phú Yên) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám trong tình trạng đau lưng dữ dội, ho, hắt hơi đều đau. Cơn đau xuất hiện sau hai lần bà té ngã tại nhà, uống thuốc không bớt. Một tuần trước khi nhập viện, bà phải nằm yên trên giường.
Ngày 25/8, ThS.BS Vũ Đức Thắng, khoa Ngoại thần kinh cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết người bệnh bị xẹp hai đốt sống T10 (đốt sống ngực 10) và L1 (đốt sống thắt lưng 1), gây phù tủy xương nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Thắng, xẹp đốt sống rất nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng có thể ảnh hưởng đến độ cân bằng của cột sống, nguy cơ thoái hóa, biến dạng đốt sống. Về lâu dài, đốt sống xẹp chèn ép các cơ quan nội tạng, làm tổn thương dây thần kinh, gây đau nhức, ảnh hưởng khả năng vận động, tàn phế.
Bác sĩ chỉ định điều trị cho bà Mạnh bằng phương pháp bơm xi măng sinh học vào thân đốt sống. Xi măng sinh học có dạng lỏng và tương thích với mô sinh học. Khi dùng kim bơm vào cơ thể, chất này làm cứng hai đốt sống bị xẹp. Đây là kỹ thuật tạo hình thân sống an toàn, ít xâm lấn, hạn chế biến chứng, rút ngắn thời gian nằm viện.
Trong hơn 30 phút thực hiện thủ thuật, bác sĩ dùng hệ thống đánh giá hình ảnh C-Arm để theo dõi liên tục đường đi của kim bơm, đảm bảo tiếp cận đúng vị trí, không làm tổn thương cơ quan khác. Kỹ thuật xâm lấn tại chỗ nên người bệnh chỉ cần gây tê, không gây mê, giảm đau nhanh hơn.
Sau một đêm, bà Mạnh có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng. Bà được xuất viện sớm, thời gian nhập viện và điều trị chưa đến hai ngày, tái khám sau 7 ngày.
Bác sĩ Thắng cho biết, ở người khỏe mạnh, sau khi té ngã không xảy ra xẹp đốt sống. Tuy nhiên, ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ sau tuổi mãn kinh, xuất hiện tình trạng loãng xương. Chỉ những va chạm nhẹ, thậm chí hắt hơi, cũng có thể gây xẹp đốt sống. Tùy mức độ xẹp lún và sức khỏe của người bệnh, bác sĩ điều trị phù hợp bằng thuốc, bất động tại giường, đeo nẹp cố định…
Hạn chế vận động, nằm trên giường lâu có thể tăng nguy cơ mắc biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, xẹp phổi, thuyên tắc phổi, thuyên tắc tĩnh mạch sâu chi dưới, nhiễm trùng tiểu, suy kiệt. Vì vậy, người bệnh cao tuổi, xẹp đốt sống do loãng xương, đau cấp tính, đã điều trị bằng các phương pháp khác không hiệu quả, bác sĩ chỉ định bơm xi măng sinh học.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo người cao tuổi nên khám sức khỏe và đo mật độ xương định kỳ. Nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin D; thường xuyên vận động với bài tập phù hợp như yoga, đi bộ.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp