24 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng mười một 15, 2024
spot_img
Trang chủTIN TỨC XI MĂNGHàng trăm tỉ “mắc kẹt” tại dự án 7 năm “đắp chiếu”,...

Hàng trăm tỉ “mắc kẹt” tại dự án 7 năm “đắp chiếu”, Xi măng Bỉm Sơn tiếp tục báo lỗ nặng

(Cafeland.vn) Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) vừa công bố Báo cáo tài chính quý 1/2023 với mức lỗ ròng gần 50 tỉ đồng, giảm hơn 155% so với cùng kỳ.

Cụ thể, Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận doanh thu thuần đạt 848 tỉ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, do mức tăng chi phí tài chính lớn hơn giá vốn và chi phí bán hàng nên doanh nghiệp này báo lỗ tới gần 49 tỉ đồng trong khi cùng kỳ có lãi hơn 68 tỉ đồng.

Lãnh đạo Xi măng Bỉm Sơn giải trình, lợi nhuận giảm 155% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 136,19 tỉ đồng chủ yếu do mức giảm của doanh thu bán hàng và thu nhập khác lớn hơn mức giảm giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cùng các chi phí khác.

Hàng trăm tỉ mắc kẹt tại dự án 7 năm đắp chiếu, Xi măng Bỉm Sơn tiếp tục báo lỗ nặng

Năm 2023, Xi măng Bỉm Sơn lên kế hoạch kinh doanh với mức doanh thu dự kiến đạt hơn 4.631 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 50,5 tỉ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp này chỉ thực hiện được 18% kế hoạch doanh thu và kém xa kế hoạch lợi nhuận.

Tính đến hết ngày 31/03/2023, tổng tài sản của Xi măng Bỉm Sơn là 4.115 tỉ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho đạt 418 tỉ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 353 tỉ đồng, tăng gần gấp 3 lần thời điểm đầu năm, phần lớn là phải thu từ khách hàng.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả chiếm đến 49,2%, tương đương hơn 2.042 tỉ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn (chiếm đến 96,6%). Ngoài ra, doanh nghiệp này đang vay nợ tài chính hơn 622,1 tỉ đồng, tăng 7% so với đầu năm 2023.

Hồi đầu tháng 3 năm nay, Xi măng Bỉm Sơn đã có văn bản báo cáo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) về việc thoái/bán vốn của doanh nghiệp này tại CTCP Xi măng miền Trung (CRC).

Trong văn bản này, Xi măng Bỉm Sơn đưa ra 2 phương án là giữ lại Xi măng Miền Trung theo chiến lược của VICEM và phương án thoái vốn.

Với phương án giữ lại Xi măng Miền Trung, vào cuối tháng 2 vừa qua, doanh nghiệp này đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, được UBND tỉnh thông tin, hiện nay đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất – Quảng Ngãi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo quy hoạch, nhà máy nằm trong khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Dung Quất, do đó dân cư xung quanh khu vực sẽ được giải tỏa tái định cư.

Đối với phương án thoái vốn, Xi măng Bỉm Sơn cho biết, thực hiện văn bản của Hội đồng thành viên VICEM và Nghị quyết của HĐQT công ty về phương án thoái toàn bộ vốn đầu tư của Xi măng Bỉm Sơn tại Xi măng Miền Trung với hơn 9,9 triệu cổ phần, chiếm 76,8% vốn điều lệ, giá trị đầu tư là 115 tỉ đồng, đảm bảo thoái vốn thu hồi công nợ của Xi măng Bỉm Sơn tại doanh nghiệp này.

Về phương án thoái vốn, Xi măng Bỉm Sơn cho biết, công ty cũng đang triển khai các trình tự theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn và thời gian qua đã có nhiều đối tác quan tâm mua lại vốn đầu tư tại Xi măng Miền Trung.

Theo đó, Công ty TNHH MTV Thiên Phú và Công ty CP Xi măng Đức Sơn là 2 doanh nghiệp muốn mua lại toàn bộ cổ phần của Xi măng Bỉm Sơn tại Công ty CP Xi măng Miền Trung.

Về công nợ của Xi măng Bỉm Sơn và Xi măng Miền Trung, sau khi hoàn tất mua, hai bên sẽ rà soát đối chiếu đề thanh toán đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu, dự án Nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất do Xi măng miền Trung làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2000, trên diện tích 6ha, vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng và bắt đầu hoạt động năm 2012.

Tuy nhiên, do gặp khó khăn bởi việc chậm công bố Đồ án điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế Dung Quất nên nhà máy mất 7 năm phơi mưa nắng. Mặc dù Xi măng Bỉm Sơn đã đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất, song đến nay VICEM vẫn chưa đưa ra phương án xử lý cuối cùng.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

Xem thêm