25 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
Trang chủTIN TỨC XI MĂNGTRONG NƯỚCKhoản lỗ gần 2.000 tỷ của Tổng công ty Xi măng Việt...

Khoản lỗ gần 2.000 tỷ của Tổng công ty Xi măng Việt Nam đến từ đâu?

Theo Tổng công ty Xi măng Việt Nam năm 2023 tình hình sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn, nhu cầu xi măng cả trong nước và xuất khẩu bị sụt giảm hơn rất nhiều so với dự báo và một loạt những bất lợi về thị trường đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty xi măng.

LỖ GẦN 2.000 TỶ TRONG HƠN MỘT NĂM

Do đó, năm 2023, Vicem ghi nhận tổng doanh thu đạt 30.565 tỷ đồng tăng nhẹ so với kế hoạch đặt ra, lợi nhuận trước thuế âm 491,44 tỷ đồng trong khi kế hoạch đặt ra là có lãi 75,74 tỷ đồng.

Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Vicem, năm 2023, doanh nghiệp này lỗ sau thuế lên đến 1.129 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân thua lỗ, theo Vicem, năm 2023, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục, các công trình dự án chậm triển khai phải giãn hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tình trạng khan hiếm tăng giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng tại nhiều khu vực, đặc biệt tại miền Trung và Tây Nam Bộ dẫn đến nhu cầu xi măng trong nước sụt giảm mạnh. Tiêu thụ xi măng trong nước trong năm 2023 giảm 16,4% so với năm 2022.

Nguồn cung xi măng tiếp tục vượt xa so với nhu cầu trong năm 2023 nguồn cung đạt khoảng 117,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước chỉ khoảng 56,6 triệu tấn, dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, cung tín dụng bị thắt chặt gây khó khăn về nguồn vốn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng vẫn ở mức cao, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% từ ngày 4/5/2023 và tiếp tục tăng thêm 4,5% từ ngày 9/11/2023.

Thị trường xuất khẩu xi măng, clinker gặp nhiều khó khăn. Giá xuất khẩu xi măng, clinker giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2022, giá xi măng giảm 5-6 USD/tấn, giá clinker giảm 9-10 USD/tấn và có xu hướng giảm do các nhà xuất khẩu cạnh tranh đơn hàng, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% từ ngày 1/1/2023; nhiều công ty thành viên Vicem không thể xuất khẩu sản phẩm do giá thu về không bù đắp được biến phí.

Bước sang 6 tháng đầu năm 2024, tổng công ty Vicem báo lỗ thêm 863 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế từ năm 2023 đến giữa năm 2024, Vicem báo lỗ gần 2.000 tỷ đồng.

Vicem đặt mục tiêu năm 2024, sản xuất 17,03 triệu tấn clinker, tăng 3 % so với năm 2023. Tổng sản lượng tiêu thụ 24,31 triệu tấn, tăng 7,7% so với năm 2023, trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa 18,57 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023; tổng doanh thu 29.814 tỷ đồng nhưng không đề cập đến con số lợi nhuận.

THUA LỖ CHỦ YẾU Ở CÁC CÔNG TY CON

Khoản lỗ của Vicem thực tế chủ yếu do lỗ ở các công ty con. Trong khi đó, ở công ty mẹ năm 2023 vẫn báo lãi sau thuế 413 tỷ đồng. Một số công ty thuộc Vicem báo lỗ từ năm ngoái đến quý 1 năm nay. Có đơn vị lỗ lũy kế hết năm 2023 hơn nghìn tỉ đồng.

Đơn cử, Tổng công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) ghi nhận quý 1 lỗ 55,5 tỷ đồng và lỗ nhiều hơn so với con số 40,3 tỷ đồng của quý 1/2023. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng tiêu thụ xi măng quý 1 năm 2024 chỉ đạt 544.285 tấn fiarm mạnh 122.303 tấn so với quý 1/2023, dẫn đến doanh thu bán hàng sụt giảm và thua lỗ.

Vicem sở hữu 79,51% cổ phần Vicem Bút Sơn. Cả năm ngoái, doanh thu thuần của BTS chỉ đạt 2.573 tỉ đồng, giảm gần 18% so với 2022, còn lợi nhuận sau thuế âm 96,2 tỷ đồng.

Tương tự, tại Xi măng Bỉm Sơn (BCC) ghi nhận doanh thu thuần 690 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước và lỗ ròng gần 49 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 47 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp của doanh nghiệp (từ quý 3/2022).

Doanh nghiệp cho biết nguồn cung xi măng tiếp tục vượt xa so với nhu cầu, dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều Công ty tiếp tục thực hiện giảm năng suất hoặc dừng lò nung.

BCC dự báo sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam năm 2024 khó có khả năng tăng trưởng so với 2023 (khoảng 20.5 triệu tấn, tăng 1.5% so với năm 2023) do cạnh tranh nguồn xuất từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác trong khu vực.

Đồng thời, dự báo ngành xi măng hết sức khó khăn khi nguồn cung và giá nguyên nhiên vật liệu tiếp tục duy trì ở mức cao. Trong khi nhu cầu sử dụng xi măng bao đang dần thấp hơn xi măng rời, tiếp tục làm giảm lợi thế và thương hiệu xi măng của Công ty, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Với việc dự báo trước những khó khăn, BCC đưa ra kế hoạch kinh doanh 2024 khá bi quan với mức lỗ sau thuế gần 159 tỷ đồng; trong khi tổng doanh thu gần 3.096 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 0,5% so với 2023. Trong đó, sản lượng sản xuất clinker là hơn 2.3 triệu tấn và xi măng (bao gồm gia công) gần 3 triệu tấn.

Tại Vicem Hà Tiên, quý 1/2024 ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.585 tỷ đồng, doanh thu thuần là 1.494 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 103 tỷ đồng. Vicem Hà Tiên báo lỗ 24,6 tỷ đồng sau thuế. Cùng kỳ năm 2023, Công ty báo lỗ tới 85,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, Vicem Tam Điệp lỗ 65,5 tỷ đồng trong năm 2023. Kết thúc năm 2023, nguồn vốn của Xi măng Tam Điệp là 1.254 tỷ đồng, nhưng có tới 95% được tài trợ bằng nợ phải trả (tương ứng 1.192 tỷ đồng).

Mới đây, Bộ tài chính đã đưa ra quyết định 179 thanh tra tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Vicem Hà Tiên.

Nội dung thanh tra tập trung vào các vấn đề: quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp; hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh; Thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; và chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính khác đối với doanh nghiệp. Thời kỳ thanh tra là năm 2023 và những vấn đề có liên quan tới thời gian thanh tra.

Nguồn: vneconomy.vn

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

Xem thêm