Anh Chu Văn Trường – công nhân Nhà máy Xi măng Vicem Hoàng Mai (Nghệ An) chia sẻ: “Xi măng bán chậm, nhà máy phải dừng lò cả tháng, ít việc, công nhân chỉ hưởng lương cơ bản, vì thế, Công ty phải báo lỗ, cắt giảm nhân công, một số cho nghỉ việc thời vụ”. Điều này cho thấy, doanh nghiệp (DN) ngành xi măng gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bất động sản “đóng băng”, sản phẩm không bán được.
Theo ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA): “Vẫn còn một kênh khiến ngành xi măng, sắt thép hy vọng đấy là đầu tư công nhưng trong năm nay việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm chạp. Năng lực sản xuất lớn song nhu cầu tiêu thụ không những không tăng mà còn bị thu hẹp khiến tồn dư sản phẩm nhiều, khiến nhiều DN ngành vật liệu xây dựng, nhất là xi măng thua lỗ kéo dài, có nguy cơ phá sản hoặc phải bán một phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Khó từ trong ra ngoài
Theo ông Nguyễn Công Lý – Chủ tịch Công ty Xi măng Công Thanh (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), năm nay Nhà nước phê duyệt nhiều dự án hạ tầng giao thông, trong đó có đường cao tốc nhưng giải pháp xây dựng đường dạng cầu cạn bằng bê tông cốt thép rất hạn chế. Bài học cho thấy, một số vùng, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nền đất yếu, việc xây dựng cầu cạn sẽ có chi phí thấp hơn việc đổ đất làm nền đường nhưng hiện vẫn chưa được nhiều nhà thầu áp dụng. Cùng với việc đầu ra khó khăn, giá nhiên liệu, năng lượng, than cao đã đẩy giá xi măng tăng là nguyên nhân khiến xuất khẩu xi măng, clinker gặp khó khăn trong khi phải cạnh tranh với nguồn cung dư thừa tại thị trường Trung Đông, Đông Nam Á.
Đâu là giải pháp?
Nhận định về triển vọng thị trường những tháng cuối năm 2024, hầu hết DN xi măng cho rằng, rủi ro từ nền kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ở trong nước, nhu cầu xi măng có thể được cải thiện nhưng khó có sự tăng trưởng cao để có thể tiêu thụ hết công suất của các nhà máy hiện có.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, VNCA đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, đường bê tông xi măng cốt thép thay cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp. Sử dụng công nghệ gia cố nền đường xi măng – đất thay cho công nghệ truyền thống để nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình vì công nghệ này đã được các nước Âu, Mỹ sử dụng từ nhiều năm trước và nay vẫn đang sử dụng.
Chính phủ đang ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỷ USD để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu các dự án này sớm được triển khai sẽ là cơ hội lớn cho ngành xi măng và vật liệu xây dựng khác.
Cùng với sự nỗ lực của DN với sự vào cuộc của Nhà nước và sự chia sẻ của các ngân hàng thương mại như giãn nợ, giảm lãi suất cho DN xi măng, ưu tiên DN xi măng được vay vốn lưu động, tin rằng ngành xi măng nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung sẽ vượt qua cơn bĩ cực này.
“Năm 2023, tiêu thụ xi măng chỉ đạt khoảng 87 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn. Lượng tiêu thụ nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022, lượng xuất khẩu xi măng năm 2023 bằng 99% năm 2022. Tính sơ bộ, lượng xi măng sản xuất ra còn dư so với lượng đã tiêu thụ năm ngoái khoảng 30 triệu tấn.
Nguồn: doanhnhansaigon.vn