Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2024 cả nước xuất khẩu trên 8,03 triệu tấn xi măng và clinker, thu về gần 304,1 triệu USD, tăng 2,3% về lượng nhưng giảm 9,6% về kim ngạch so với 3 tháng đầu năm 2023. Giá xuất khẩu cũng giảm 11,6%, đạt trung bình 37,9 USD/tấn.
Riêng tháng 3/2024 xuất khẩu xi măng và clinker tăng 39,5% về lượng, tăng 42,2% về kim ngạch và tăng 2% về giá so với tháng 2/2024, đạt gần 2,82 triệu tấn, tương đương gần 108,48 triệu USD, giá trung bình 38,5 USD/tấn; so với tháng 3/2023 thì giảm 3,4% về lượng, giảm 12,8% về kim ngạch và giảm 9,7% về giá.
3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu xi măng và clinker sang Philippines tăng nhẹ 2,3% về lượng, nhưng giảm 6,9% về kim ngạch |
Trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu xi măng và clinker sang thị trường Philippines tăng nhẹ 2,3% về lượng, nhưng giảm 6,9% về kim ngạch và giảm 9% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023, là thị trường lớn nhất tiêu thụ xi măng và clinker của Việt Nam, chiếm tới 24,9% trong tổng lượng và chiếm 26,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinhker của cả nước, đạt gần 2 triệu tấn, tương đương 81,56 triệu USD, giá trung bình 40,8 USD/tấn.
Xi măng và clinker xuất khẩu sang Bangladesh – thị trường lớn thứ 2 đạt 2,22 triệu tấn, trị giá 69,23 triệu USD, giá trung bình 31,2 USD/tấn (tăng 22% về lượng ngưng giảm 0,5% về kim ngạch và giảm 18,5% về giá); chiếm 27,6% trong tổng lượng và chiếm 22,8% trong tổng kim ngạch.
Tiếp theo đó là thị trường Malaysia chiếm 5,3% trong tổng lượng và chiếm 4,7% trong tổng kim ngạch, đạt 423.673 tấn, tương đương 14,37 triệu USD, giá 33,9 USD/tấn (tăng 6,8% về lượng, nhưng giảm 13,2% về kim ngạch và giảm 18,7% về giá).
Dự báo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), xuất khẩu xi măng và clinker trong năm 2024 tiếp tục gặp khó, bởi thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi…
Trong khi đó, năm 2024, sản lượng xi măng trong nước sẽ tiếp tục trong cảnh cung vượt cầu, thị trường nội địa dự kiến tiêu thụ khoảng 60 – 62 triệu tấn, do đó, kênh xuất khẩu vẫn được các doanh nghiệp đẩy mạnh nhằm giải quyết được sản lượng khoảng 30 triệu tấn.
Hiện, một số doanh nghiệp đang mở rộng thị trường, chuyển hướng sang các khu vực như Mỹ, Australia, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi nhằm giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Theo tính toán của Hiệp hội xi măng Việt Nam, năm 2023, cả nước sản xuất và tiêu thụ gần 88,6 triệu tấn xi măng và clinker, đạt gần 79% năng lực sản xuất của 83 dây chuyền, khoảng 70% năng lực thực tế. Tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 đạt 57,083 triệu tấn, bằng 84,3% tiêu thụ nội địa năm 2022. Trong đó, có 8 dây chuyền sản xuất xi măng phải ngừng hoạt động, nhiều nhà máy phải dừng 1 hoặc 2 dây chuyền để giảm lượng tồn kho, phải dừng lò vì dư thừa công suất lần đầu xảy ra trong lịch sử ngành xi măng.
Theo các nhà sản xuất, thị trường xi măng cả trong nước lẫn xuất khẩu đều gặp nhiều khó khăn. Đối với kênh xuất khẩu, sở dĩ sản lượng giảm mạnh là do Trung Quốc giảm nhập khẩu, bởi thị trường bất động sản nước này chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, quý I/2024, toàn ngành xi măng xuất khẩu 7,9 triệu tấn sản phẩm, thu về 298 triệu USD, sản lượng bằng với cùng kỳ năm trước nhưng trị giá giảm 11,7%. Đáng chú ý, đà giảm xuất khẩu của mặt hàng này đã kéo dài sang năm thứ 3.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu xi măng và clinker quý đầu năm 2024 giảm mạnh là do Trung Quốc giảm nhập khẩu. Bởi thị trường bất động sản nước này chưa có dấu hiệu khởi sắc, chưa kể, giá xuất khẩu cũng theo chiều giảm nhẹ, tiếp đà giảm của năm trước. Ngoài ra, thị trường Phillipines vẫn áp dụng chính sách bảo hộ thuế chống bán phá giá với xi măng nhập từ Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, nếu như thép, xi măng và nhiều loại vật liệu xây dựng khác đang khó khăn khi nguồn cung vượt cầu thì cát, đất đắp nền lại trong tình trạng khan hiếm do thiếu nguồn cung. Nguồn cung cát khan hiếm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công các công trình trọng điểm trên cả nước, đặc biệt là ở khuc vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh.
Trong quý I/2024, giá cát dao động từ 285.000 – 465.000 đồng/m3 tùy loại. Trong đó, cát dùng để san lấp không chỉ khan hiếm mà giá còn tăng vọt từ 190.000 đồng/m3 lên 285.000 đồng/m3 chưa kể thuế giá trị gia tăng. So với thời điểm tháng 10/2023, giá cát san lấp cùng loại tiêu chuẩn tăng gần 50%.
Nguồn: congthuong.vn